Thứ Bảy, 15 tháng 2, 2020

Doanh nghiệp nhỏ kêu cứu vì hết tiền

Wu Hai là chủ một chuỗi cửa hàng karaoke tại Bắc Kinh. Trên trang cá nhân, anh nói rằng dịch bệnh có thể "hủy hoại" 50 quán karaoke trên cả nước, khiến 1.500 nhân viên có nguy cơ mất việc. Công ty của anh – MeiKTV hiện có 12 triệu nhân dân tệ (1,7 triệu USD) tiền mặt. Số tiền này chỉ đủ cho họ tồn tại 2 tháng khi không thể mở cửa hoạt động.

"Điều này có nghĩa chúng tôi sẽ chết vào tháng 4 nếu nhà đầu tư không rót thêm tiền", anh nói.

Shu Congxuan – chủ tịch Home Original Chicken tuần trước cho biết chuỗi cửa dịch thuật hàng đồ ăn nhanh của ông đã phải đóng hơn 400 cơ sở khi dịch bệnh bùng phát. Công ty sắp hết tiền vì vẫn phải trả tiền thuê cửa hàng và nhân viên. Dù vậy, Shu khẳng định sẽ cố giữ việc làm cho nhân viên, kể cả phải bán nhà bán xe.

Nhiều công ty khác phải nghĩ đủ cách để bù đắp phần nào số lỗ. Nhà hàng Meizhou Dongpo cho biết nhân viên của họ thậm chí phải mở quầy rau vệ đường để bán. Đây là số rau họ mua để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán, nhưng không dùng được vì dịch bệnh bùng phát.

Nhà hàng Meizhou Dongpo bán số rau chuẩn bị cho Tết. Ảnh: Weibo

Nhà hàng Meizhou Dongpo bán số rau chuẩn bị cho Tết. Ảnh: Weibo

Nhiều công ty lớn tại đã mở cửa trở lại sau nhiều tuần ngừng hoạt động để ngăn dịch bệnh lây lan. Tuy nhiên, các công ty nhỏ thường khó đáp ứng quy tắc y tế nghiêm ngặt của giới chức địa phương. Vì thế, nhiều doanh nghiệp chẳng có cách nào khác ngoài việc để nhân viên làm việc tại nhà. Nếu không được hỗ trợ, hoặc dịch bệnh không lắng xuống, rất nhiều công ty chỉ có thể sống sót được vài tuần.

Một khảo sát của China International Capital Corp trên 163 công ty tại Trung Quốc cho thấy chưa đầy một nửa có thể hoạt động trở lại trong tuần này. Con số đáng báo động hơn là khoảng 300 doanh nghiệp vừa và nhỏ khác trong khảo sát của Đại học Thanh Hoa và Bắc Kinh cho biết chỉ có thể tồn tại một tháng với lượng tiền mặt hiện tại.

Đây là tin tức tồi tệ với doanh nhân khởi nghiệp Trung Quốc và cả nền kinh tế nói chung. Vì 30 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ nước này hiện đóng góp hơn 60% GDP quốc gia. Thuế từ nhóm này đóng góp hơn nửa doanh thu cho chính phủ. Họ còn tạo công ăn việc làm cho hơn 80% lao động Trung Quốc.

Chưa có thống kê nào chỉ ra bao nhiêu công ty sẽ chịu tác động toàn diện từ dịch bệnh lần này. Các khảo sát chỉ bao phủ một phần rất nhỏ. Vì thế, hậu quả cuối cùng không thể ước tính. Tuy nhiên, rất nhiều doanh nghiệp nhỏ từ trước đó đã lao đao vì kinh tế trong nước tăng trưởng chậm lại, nhu cầu giảm sút và chiến tranh thương mại với Mỹ.

"Dịch cúm corona chẳng khác nào ống hút rút sạch nước trong bướu lạc đà", Zhao Jian – Giám đốc Viện Nghiên cứu Atlantis nhận xét trong một báo cáo tháng này. Ông cảnh báo nếu dịch bệnh không sớm chấm dứt, thất nghiệp sẽ tăng vọt vì nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động. Làn sóng tịch biên nhà có thể xảy ra, càng gây sức ép lên kinh tế Trung Quốc.

Theo khảo sát của Đại học Thanh Hoa và Bắc Kinh, 85% công ty cho biết sẽ phá sản nếu dịch bệnh kéo dài 3 tháng. Còn nếu thời gian này là 9 tháng, 90% công ty sẽ biến mất.

Giới chức Trung Quốc biết rằng họ đang phải giải quyết vấn đề rất lớn. Tuần trước, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã bơm hàng tỷ USD vào thị trường tiền tệ, nhằm khuyến khích các ngân hàng cho vay. Họ cũng lập quỹ đặc biệt 300 tỷ nhân dân tệ, cho vay lãi suất thấp với các công ty chủ chốt trong hoạt động ngăn ngừa dịch bệnh.

Giới chức địa phương tại Bắc Kinh, Thượng Hải và nhiều tỉnh khác cũng đã đưa ra biện pháp giúp doanh nghiệp nhỏ, như hỗ trợ thuê mặt bằng, hay gia hạn thời gian nộp thuế, bảo hiểm. Nhiều công ty lớn, như Alibaba hay JD.com còn cam kết sẵn sàng tiếp nhận người lao động mất việc vì dịch bệnh.

Dù vậy, chẳng ai biết các biện pháp này sẽ có tác động đến đâu. Wu nói rằng kể cả có chính sách hỗ trợ, họ cũng đang lâm vào "đường cùng". Các chi phí an sinh xã hội vẫn là khoản chi lớn với doanh nghiệp. Và hoãn lại cũng không giải quyết được vấn đề gì. Các chủ nhà cũng chưa chắc sẽ giảm tiền thuê cho họ.

"Nhân viên của tôi sắp thất nghiệp. Công ty cũng sắp sập rồi", anh nói, "Chúng tôi không có tài sản cố định để thế chấp. Không có dòng tiền hoạt động. Vì chúng tôi có kinh doanh được đâu? Anh nói xem, khi nào các công ty vừa và nhỏ mới được vay vốn ngân hàng?".

Hà Thu (theo CNN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét